TIN TỨC

KIẾM THÊM THU NHẬP TỪ NHỮNG NGHỀ PHỤ
Đón chào năm mới, gia đình nào cũng muốn nhà cửa được khang trang, sạch đẹp hơn như để có thêm nhiều may mắn, hạnh phúc. Việc trang trí những nơi trang trọng như bàn thờ tổ tiên, bàn tiếp khách, rất được quan tâm. Nhờ vậy, khoảng ngày 20 tháng Chạp trở đi, dịch vụ đánh bóng lư đồng, kinh doanh các loại hoa kết bằng pha lê hay hạt cườm,... được dịp nở rộ, vừa phục vụ nhu cầu khách hàng vừa đem lại thu nhập khá cho nhiều lao động vào dịp Tết.
Từ đầu tháng 1-2012, gia đình chị Tiêu Nguỵ Phương Quyên, ngụ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều đã bày bán nhiều sản phẩm được kết từ những hạt cườm, pha lê tinh xảo, với nhiều mẫu mã phù hợp ngày Tết như: tượng Thần Tài, Phước, Lộc, Thọ, rồng; chậu sen, mai vàng, mai bạc... ở chợ Tết đường Nguyễn An Ninh, phường Tân An, thu hút rất nhiều khách đến chiêm ngưỡng và hỏi mua. Nhiều khách mua xong còn yêu cầu đặt hàng thêm. Mỗi sản phẩm, chị Quyên lời khoảng 30% tổng giá trị.
Chị Quyên học nghề kết hoa pha lê ở TP Hồ Chí Minh khoảng 2 năm trước. Nhờ có khiếu thẩm mỹ và chịu khó học hỏi, chỉ sau ít ngày học cách kết hoa cơ bản, chị Quyên đã tự tay làm được những chậu hoa đơn giản. Khi tay nghề nhuần nhuyễn, chị hướng dẫn chị em và một số người quen cách làm, kiếm thêm khoản thu nhập không nhỏ. Phan Thị Thanh Tuyền, em của chị Quyên cho biết: “Nghề này có thể làm tại nhà nên em tranh thủ thời gian sau giờ học, đến nhà chị Quyên kết hoa, kiếm tiền. Khoảng 2-3 ngày, em kết xong bình hoa nhỏ, 1 tuần thì kết xong bình hoa cỡ vừa”. Để có được số lượng sản phẩm phong phú, đa dạng bày bán trong dịp Tết này, chị Quyên đã chuẩn bị vật liệu kết hoa từ 2 tháng trước.
Nhờ thu nhập khá và thỏa sức sáng tạo mẫu mã sản phẩm với những viên pha lê lấp lánh nên nghề này được nhiều chị em lựa chọn. Chị Lê Thị Thanh Thủy, ngụ số 15A, đường Hoàng Văn Thụ, phường An Hội, quận Ninh Kiều vốn là thợ may, 3 năm trước, chị học thêm nghề kết hoa pha lê và đến nay nghề này đã đem lại nguồn thu nhập chính cho chị. Chị Thủy tâm sự: “Lúc đầu tôi đến với nghề chỉ là hiếu kỳ, muốn làm đẹp căn nhà của mình nhưng càng làm càng đam mê. Đến nay, những sản phẩm tôi làm ra được bày bán trong các siêu thị, nhà sách và một số cửa hàng bán đồ lưu niệm”. Đến nhà chị Thủy vào những ngày cuối năm này, toàn trưng bày nhiều chậu hoa kết bằng hạt pha lê với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau, chủ yếu do khách hàng đặt trước. Dựa theo nhiều mẫu mã chị Thủy sưu tầm, khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn loại hoa, màu sắc, kiểu dáng và tùy theo sở thích chọn số lượng hoa kết trên mỗi chậu hoa. Để kịp đáp ứng nhu cầu nhiều khách hàng dịp cuối năm, chị Thủy thường lựa chọn mẫu, vật liệu, kết sẵn những cánh hoa từ 4-5 tháng trước Tết. Tùy theo loại hoa, kích cỡ, sản phẩm có giá từ vài trăm ngàn đồng đến trên 1 triệu đồng. Chị Thủy cho biết: “Người thiết kế phải đam mê, hết lòng chăm chút thì sản phẩm mới có hồn, dễ làm hài lòng khách hàng. Nhưng để làm được sản phẩm có chất lượng, màu sắc hài hòa, trang nhã, đòi hỏi người làm phải biết những kiến thức về cách phối màu, kết cành...”. Nhờ tay nghề sắc sảo, chị Thủy được nhiều bạn trẻ biết tới và tìm đến nhà chị học nghề. Vì vậy, với nghề kết hoa pha lê này, chị Thủy vừa kiếm thêm thu nhập vừa có thể dạy nghề cho một số bạn trẻ.

Người lao động đang chùi lư đồng cho khách.
Với nhiều người, chuẩn bị đón Tết không thể quên việc chùi lư đồng cho sáng bóng để bàn thờ tổ tiên thêm rực rỡ và trang trọng, thể hiện sự thành kính của con cháu và đã trở thành phong tục truyền thống của người Việt Nam. Khoảng giữa tháng Chạp, dạo quanh vài tuyến đường nội ô quận Ninh Kiều TP Cần Thơ, chúng ta có thể bắt gặp nhiều điểm nhận chùi bóng lư đồng. Từ ngày 13 tháng Chạp, anh Hoàng Văn Muôn, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, đã bắt đầu chuẩn bị đồ nghề, nhận chùi lư cho khách. Thấy nghề này chỉ bỏ vốn một lần, nhưng có thu nhập cao nên năm trước, anh Muôn nhờ người quen hướng dẫn cách chùi lư. Anh Muôn cho biết: “Một mô tơ chùi lư khoảng 2,5 triệu đồng, cộng thêm một số dụng cụ, vật liệu khác như: bánh xe vải, thuốc đánh bóng, bột mì là có thể hành nghề được. Đây là Tết đầu tiên tôi làm nghề này nhưng thu nhập cũng khá. Mỗi ngày tôi có thể chùi khoảng 3 bộ lư lớn, thu nhập gần 400.000 đồng”.
Tuy thu nhập khá, dụng cụ lao động đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Bác Lê Văn Hoài, 60 tuổi, ngụ số 86B đường Đề Thám, có 40 năm kinh nghiệm chùi lư, cho rằng: “Nghề này rất nặng nhọc, bụi bặm. Bộ lư đồng loại lớn rất nặng, trong khi đó phải tỉ mỉ chùi từng bộ phận, chi tiết nên người thợ lao động phải đứng suốt hơn 2 tiếng mới hoàn tất bộ lư sáng đẹp. Không quen, rất dễ bị trầy xước tay. Vì vậy, nếu người sức khỏe không tốt và thiếu kiên trì thì khó làm được”. Bắt đầu từ mùng 10 đến 27 tháng Chạp, mỗi ngày bác Hoài có thể chùi 3-4 bộ lư. Bộ lớn tiền công 120.000 đồng, bộ nhỏ 50.000 đồng.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, quanh năm kiếm sống bằng nghề làm thuê. Chị Phượng bán vé số còn anh trai thì chạy xe honda ôm, thu nhập vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nhờ nghề chùi lư, 3-4 năm nay, anh chị có thêm số tiền kha khá để đón Tết sung túc, ấm cúng hơn. Khoảng mùng 10 âm lịch, chị và anh trai đã treo bảng nhận chùi lư vì nhiều khách hàng có nhu cầu đăng ký trước. Tiền công chùi 1 bộ lư từ 50-120.000 đồng. Chị Phượng cho biết: “Thường từ ngày 23 Tết, khách đến chùi lư đông dần đến 29 Tết. Ngày cao điểm, chúng tôi có thể chùi khoảng 5 bộ lư loại lớn, thu nhập khoảng 500.000 đến 600.000 đồng”.
Chùi được bộ lư sáng đẹp, thiết kế xong bình hoa pha lê lóng lánh, những người thợ thấy vui và hài lòng, khi biết sản phẩm do mình gia công làm đẹp được nhiều người trưng bày để nhà cửa thêm tươi tắn, lịch sự, đón chào năm mới với sự hy vọng được may mắn, hạnh phúc và làm ăn thuận lợi. Chính vì vậy, đối với những người thợ này, bỏ công sức làm ra sản phẩm đẹp không chỉ kiếm thu nhập mà ý nghĩa hơn là tô điểm cho cuộc sống mỗi gia đình thêm tươi đẹp, sung túc.

NGUYÊN TẮC CẮM HOA VOAN

 
Hoa là một vật vô giá mà thiên nhiên gửi đến cho con người. Hoa là sứ giả của cái đẹp với màu sắc tươi tắn, hình dáng xinh xắn, đường nét tuyệt mỹ, tượng trưng cho nguồn sống dồi dào.
Cắm hoa theo nghệ thuật phương Đông mà đại biểu là Trung Quốc và Nhật Bản với đặc điểm nổi bật là chọn hoa khá ít, nhấn mạnh tính thẩm mỹ từ những đường nét của hoa, tạo bố cục đơn giản, thanh nhã, thoát tục.Còn cắm hoa theo phong cách phương Tây chủ yếu chú trọng sự đối xứng, hoa nhiều và xum xuê, màu sắc sặc sỡ để đạt được hiệu quả muôn màu muôn vẻ.
Cắm theo phong cách phương Đông đòi hỏi giữa hoa và bình cắm phải có tỉ lệ tương xứng, thông thường độ cao của cành chính bằng 1,5 lần độ cao của bình, còn cắm hoa kiểu phương Tây thường chọn loại bình hoa thông thường, miệng rộng để cắm được nhiều hoa.
Nơi để hoa cũng phải chọn nơi thích hợp, sau khi cắm hoa xong cần xem xét độ cao của bình hoa để quyết định vị trí đặt.
Khi cắm hoa cần xác định ý tưởng để chọn hoa và bình thích hợp với chỗ để. Màu sắc và hình dạng của hoa với bình cần có sự hài hoà để  có sự cân bằng trong kết cấu và hài hoà màu sắc. Hoa lá không thể cao bằng nhau, hoa chính nên hơi cao, hoa phụ nên hơi thấp. Khi chọn hoa nên chọn hoa có độ tươi ngang nhau để làm hoa chính và hoa phụ, như vậy độ bền sẽ ngang bằng nhau. Các đoá hoa phải được phân bố đồng đều, bất kể là hoa chính hay hoa phụ đều phải hoà hợp và cân xứng. Sự phố hợp hoa và cành cắm thêm cũng cần thích hợp để tạo thành chính thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét